Ảnh minh họa
Cái khó nhất ở đây không phải là kiếm tiền hay tiết kiệm, mà là tìm ra điểm cân bằng giữa hưởng thụ và tích lũy. Không phải ai cũng nhận ra rằng “sống cho hiện tại” không có nghĩa là tiêu hết sạch mọi thứ mình có, cũng như việc chuẩn bị cho tương lai không đồng nghĩa với việc cắt bỏ hết niềm vui sống ở hiện tại.
Giữa hai thái cực đó, mỗi người cần tự vẽ ra cho mình một “ranh giới mềm” - nơi mà một chuyến đi chơi, một món đồ mình thích không khiến mình lỡ dở kế hoạch dài hạn, và mỗi khoản tiền để dành cũng không khiến mình thấy đời chỉ toàn kham khổ. Để làm được điều đó, bạn có thể tham khảo 2 gợi ý dưới đây.
1 - Lập quỹ chi tiêu hưởng thụ
Nếu bạn chưa biết: Theo quy tắc 6 chiếc lọ - Một quy tắc "kinh điển" trong quản lý tài chính cá nhân, quỹ hưởng thụ chính là 1 trong 6 chiếc lọ mà mỗi người cần chuẩn bị. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu hưởng thụ là hoàn toàn chính đáng, không có gì đáng bài trừ nếu đảm bảo được sự cân bằng với 5 chiếc lọ còn lại.
Ảnh minh họa
Theo T. Harv Eker, bạn có thể trích 10% thu nhập mỗi tháng để xây dựng quỹ hưởng thụ, dành cho những khoản chi tiêu giải trí mua sắm, đi du lịch.
5 "chiếc hũ" còn lại lần lượt là: Hũ nhu cầu thiết yếu (55% tổng thu nhập), hũ tiết kiệm dài hạn (10% tổng thu nhập), hũ tự do tài chính (10% tổng thu nhập), hũ giáo dục (10% tổng thu nhập), hũ từ thiện (5% tổng thu nhập).
2 - Đặt giới hạn, tiêu chí cho việc hưởng thụ
Nếu không quản lý tài chính theo quy tắc 6 chiếc lọ phía trên, bạn vẫn có thể vừa tiết kiệm, vừa duy trì ngân sách cho việc hưởng thụ bằng cách đặt ra những tiêu chí cho việc này, thay vì cứ hứng lên là móc hầu bao.
Ví dụ đơn cử như đam mê đi du lịch, bạn có thể coi nó là phần thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành 1 mục tiêu lớn trong cuộc sống như thành công tăng thu nhập, được thăng chức,... Làm như vậy, vừa có động lực phấn đấu làm việc, kiếm tiền; vừa không lo chi tiêu quá tay, thành ra rỗng túi.
Theo Ngọc Linh